BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10
NĂM HỌC 2024 - 2025
GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: BÁC HỒ VỚI GIÁO DỤC
Vào thời điểm ngày15 tháng 10 hàng năm, các trường trong cả nước thường tổ chức lễ kỉ niệm ngày Bác Hồ gửi lá thư cuối cùng cho ngành giáo dục. Và dẫu không ai bảo ai, không có quy ước, nhưng tất cả mọi nơi đều nhấn mạnh câu văn: “Dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt”.
Đó là bức thư Bác viết vào ngày 15-10-1968, gửi “các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới”. Năm học 1961, thực hiện ý kiến của Bác Hồ, phong trào thi đua “ Hai Tốt” được phát động bắt đầu từ tiếng trống khai trường của trường cấp II Bắc Lý. Phong trào lan rộng trong cả nước, cho đến năm học 1968-1969 mà Bác gọi là “ năm học thứ tư chống Mỹ cứu nước”, bức thư của Bác ra đời như một quyết tâm thư của ngành giáo dục về thi đua dạy tốt và học tốt.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại - Danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, nhà chính trị thiên tài, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp Cách mạng Việt Nam và cho công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Tư tưởng vĩ đại, đạo đức tuyệt vời và cuộc đời hoạt động của Người đã trở thành một hệ giá trị văn hóa của loài người, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Nhà nước và cả dân tộc Việt Nam.
Lúc sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vai trò, giá trị của giáo dục lên hàng đầu. Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây / Vì lợi ích trăm năm trồng người". Để khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục, Người xác định rõ mục đích của giáo dục là “Nâng cao dân trí”, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đào tạo nên những người công dân vừa có đức, vừa có tài, những con người phát triển toàn diện...đây là tư tưởng cơ bản nhất của Hồ Chí Minh về giáo dục.
Những quan điểm, tư tưởng về giáo dục của Bác Hồ thật phong phú, đa dạng thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, bài thơ, bài văn của Người...Cuốn sách ảnh BÁC HỒ VỚI GIÁO DỤC đã cung cấp cho bạn đọc những tư tưởng và tình cảm lớn, những niềm vui, nỗi trăn trở, ước mong của Người đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, đồng thời giúp cho bạn đọc hình dung một cách dễ dàng, đầy đủ, sinh động về các sự kiện lớn, các cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
Cuốn sách BÁC HỒ VỚI GIÁO DỤC do giáo sư Nguyễn Như Ý và tiến sĩ Nguyễn Thị Tình đồng chủ biên, khổ 32 cm. Sách dày 310 trang, bìa cứng được trang trí trang nhã, hình ảnh sắc nét, sống động nổi bật là hình ảnh Bác Hồ - Vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam với nụ cười thân mật đang giơ tay vẫy chào thật gần gũi, thân thương và lan tỏa.
Đây là một cuốn sách nói về một lãnh tụ, một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn và một tâm hồn vĩ đại lớn đã đi sâu vào ký ức của dân tộc Việt Nam và cả thế giới. Sau mỗi bức ảnh là một sự kiện, một câu chuyện sống động toát lên tầm tư tưởng lớn và tình cảm đặc biệt của Hồ Chí Minh đối với công cuộc giáo dục. Những tư tưởng ấy, tình cảm ấy được hiện ra trên những nụ cười thân mật, qua những cử chỉ âu yếm, những câu dặn dò, khuyên bảo ân cần trong các bức ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng, với học sinh, sinh viên, giáo viên, với thanh niên, phụ nữ, với bà con trong các lớp học xoá mù chữ,...
Bên cạnh các bức ảnh, các tác giả cũng rất chú ý đến việc lựa chọn những lời chú thích, những mẩu chuyện gắn với ảnh và người trong ảnh, đặc biệt là các câu danh ngôn trích trong bài nói, bài viết của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, thể hiện tính triết lí và những tư tưởng cốt lõi của Người về giáo dục con người. Cách trình bày xen kẽ ảnh và lời chú thích làm cho người đọc hình dung được một cách rõ ràng, đầy đủ và sinh động các sự kiện lớn cũng như tư tưởng, quan điểm, tình cảm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục.
Hy vọng cuốn sách BÁC HỒ VỚI GIÁO DỤC là một cẩm nang quý giá, sinh động giúp ích nhiều cho việc giáo dục tình cảm và lòng kính trọng, biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Bác kính yêu. Chúng ta hãy đọc để hiểu sâu và thấm thía hơn về tình cảm, tình người cũng như tư tưởng lớn của Bác đối với ngành giáo dục để kính trọng, biết ơn và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Cuốn sách hiện có trong thư viện nhà trường, kính mời các thầy cô, các em học sinh tìm đọc.